Công ty bảo vệTin tức

Cần có cơ chế khuyến khích dịch vụ bảo vệ trẻ em phát triển

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, cần nghiên cứu xây dựng khung giá dịch vụ công về bảo vệ trẻ em, có chính sách khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em…

Bài viết liên quan:

 “Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em” là một trong những vấn đề đang được Quốc hội quan tâm, giám sát. Đặc biệt, trong 2 năm vừa qua, đại dịch COVID-19 đã gây tổn thất nặng nề trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam; việc hạn chế đi lại, cách ly xã hội và những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, đi kèm với áp lực kinh tế và đời sống khó khăn tăng lên đối với các gia đình, dẫn đến bạo lực gia tăng với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là bạo lực đối với trẻ em.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội) để ghi nhận ý kiến.

dai-bieu-quoc-hoi-nguyen-hoang-mai

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai.

+ Thưa đại biểu, tình trạng bạo lực trẻ em “nóng” lên trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi xảy ra một số vụ án nghiêm trọng trong phạm vi gia đình, khiến cho dư luận dậy sóng, cử tri và nhân dân rất quan tâm đến thực trạng phòng, chống bạo lực trẻ em. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Phòng, chống bạo lực trẻ em luôn là vấn đề được chúng ta quan tâm. Mới đây, Ủy ban Văn hóa  – Giáo dục của Quốc hội cũng phối hợp với Ủy ban Tư pháp và Uỷ ban Xã hội tổ chức phiên giải trình “Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em”, với sự tham gia của đại diện nhiều bộ, ban, ngành liên quan.

Có thể nói, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là việc đầu tư nguồn lực cho phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Thời gian vừa qua, bạo lực trẻ em không chỉ diễn ra trong cộng đồng mà còn diễn ra ngay tại gia đình, nhà trường.

Theo số liệu thống kê của tổng đài 111, trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất, tới trên 70%. Đây thực sự là điều rất đáng buồn.

+ Đại biểu có thể lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng này?

Vấn nạn xâm hại, bạo lực trẻ em diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó, nguyên nhân nổi lên trong giai đoạn diễn ra đại dịch Covid-19 vừa qua, đó là phần lớn thời gian các gia đình ở nhà vì dịch khiến trẻ bị xâm hại, bạo lực.

Bên cạnh đó, tình trạng nhiều gia đình hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ mâu thuẫn, ly hôn, ly thân; cha mẹ “vấp” vào tệ nạn xã hội như nghiện hút, cờ bạc, rượu chè; hoặc cha mẹ có lối sống ích kỷ, thiếu trách nhiệm với con cái, vi phạm pháp luật… cũng là những nguyên nhân góp phần dẫn đến tình trạng trẻ em bị bạo lực.

Ở nhiều nơi, việc thông tin, tố giác các trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại vẫn còn hạn chế…

Tôi cho rằng, trên thực tế, số vụ bạo lực trẻ em có thể còn cao hơn, bởi vì nhiều trường hợp chưa được phát hiện.

+ Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và cả giai đoạn hậu Covid sau này, nhiều ý kiến cho rằng, cần đặc biệt quan tâm, chăm sóc, bảo vệ đối với trẻ bị mồ côi do đại dịch. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đây là nhóm đối tượng trẻ em có nguy cơ cao dễ bị xâm hại và tổn thương. Thời gian qua, rất nhiều trẻ em bị rơi vào hoàn cảnh mồ côi do đại dịch Covid-19, các em mất đi sự quan tâm, chăm sóc và bảo vệ của cha mẹ, người thân… càng trở nên yếu thế. Hơn lúc nào hết, các trường hợp này rất cần sự quan tâm đặc biệt để hỗ trợ, chăm sóc, bảo vệ các em trong thời gian dài.

dich-vu-bao-ve-tre-em

Trước vấn đề thực tiễn cấp bách, cần có giải pháp tổng thể, sớm ban hành chính sách chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi nói chung và trẻ em mồ côi do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trẻ em di cư, trẻ em phải tách khỏi gia đình do bị bạo lực, xâm hại nói riêng.

Nhằm hạn chế, khắc phục ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đối với trẻ em thì cần có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để chăm sóc sức khỏe tâm thần, nhất là với trẻ mồ côi, bảo đảm sự phát triển toàn diện của các em.

+ Vậy, theo đại biểu, đâu là giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em trong thời gian tới?

Trước hết, đối với chính sách, cần nghiên cứu xây dựng khung giá dịch vụ công về bảo vệ trẻ em, chính sách khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; phát triển mô hình “mạng lưới cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em”… Hiện nay, chúng ta đang tiếp tục hoàn thiện các quy định để nhằm mục tiêu chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em một cách tốt nhất có thể.

Tôi nghĩ rằng, bên cạnh công cụ quản lý nhà nước thì hành động hiệu quả nhất vẫn là nỗ lực chung tay của cả cộng đồng; đặc biệt là khâu tuyên truyền, giáo dục từ các môi trường gắn liền với phụ nữ và trẻ em. Cần hướng dẫn kiến thức, kỹ năng cho trẻ em biết tự bảo vệ mình; các gia đình nên chủ động dạy con cách bảo vệ bản thân, cần giải thích cho trẻ hiểu rằng “trẻ không đơn độc”, dù sợ hãi nhưng phải bình tĩnh, xử lý tình huống theo cách tố cáo kẻ gây ra hành vi bạo hành… Hoặc phụ huynh đăng ký cho trẻ tham gia các khóa học của những tổ chức uy tín để trang bị thêm kỹ năng sống cho trẻ.

Ngược lại, đối với những trường hợp vi phạm về bạo lực trẻ em thì phải nhanh chóng vào cuộc xử lý nghiêm để mang tính chất răn đe, phòng ngừa chung…

Những bài viết liên quan

Back to top button