Bình Dương: Nhân viên dịch vụ bảo vệ được ra đường từ 5-9
Ngày 3-9 Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã ký văn bản hỏa tốc về việc cấp thẻ thông hành mới thay cho giấy cũ khi áp dụng Chỉ thị 16. Thời gian thực hiện từ 0 giờ, ngày 5-9 cho đến khi có thông báo mới.
Những trường hợp ra đường phải có thẻ thông hành gồm: Nhân viên giao hàng, phục vụ của hệ thống phân phối, làm việc liên quan xuất nhập khẩu hàng hóa, giao hàng của đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm, suất ăn, trang thiết bị, vật tư y tế phòng dịch, các cơ sở sản xuất thực phẩm (như bánh mì, tàu hủ, bún, hủ tiếu…), các cơ sở cung ứng suất ăn công nghiệp; nhân viên các ngành phục vụ sản xuất, cửa hàng xăng dầu, gas, nhân viên các nhà thuốc. lực lượng cung ứng dịch vụ công ích; xây dựng, lắp đặt, bảo trì công trình, trang thiết bị; nhân viên ngân hàng, điện lực, cấp thoát nước, công ty cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông, các công ty dịch vụ vệ sinh, môi trường; nhân viên các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ, thực hiện công tác kiểm dịch động, thực vật; nhân viên khách sạn, nhà nghỉ phục vụ cách ly y tế và lực lượng phòng chống dịch do cấp huyện, cấp xã được trưng dụng; lực lượng hỗ trợ, cứu trợ phòng, chống dịch Covid-19 (bao gồm tiểu thương chợ truyền thống hỗ trợ cung ứng hàng hoá); người đi mua hàng thiết yếu hoặc người đi chợ thay; người đi khám chữa bệnh định kỳ, người dân về quê theo Kế hoạch.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương giao Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số sở, ngành, đơn vị chức năng theo lĩnh vực dịch vụ thiết yếu (có văn bản đề nghị gửi cho Công an tỉnh để xem xét, giải quyết); UBND cấp huyện, UBND cấp xã (đối với các trường hợp nhân viên lĩnh vực dịch vụ cư trú trên địa bàn). Ngoài thẻ thông hành (theo đúng mẫu quy định do cơ quan Công an phát hành) được cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tổ chức cấp, các đối tượng trên còn phải có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính (có hiệu lực trong vòng 72 giờ), giấy CMND hoặc thẻ Căn cước công dân.
Các trường hợp không cần cấp thẻ thông hành gồm: Lực lượng công an, quân sự, Y tế; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (công tác tại các sở, ban, ngành, các Ban Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp); thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp; lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch Covid-19; người dân đi tiêm vắc xin; các trường hợp đi khám, chữa bệnh; các trường hợp trong tình thế cấp bách có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng do cá nhân tự di chuyển như: cấp cứu người bị thương, bị bệnh, phụ nữ mang thai đến ngày sinh….
Đối với thẻ thông hành do UBND huyện, thị xã, TP thuộc vùng đỏ cấp chỉ có hiệu lực áp dụng trên địa bàn địa phương vùng đỏ. Đối với Thẻ thông hành do UBND huyện, thị xã, TP thuộc vùng vàng cấp chỉ có hiệu lực áp dụng trên địa bàn địa phương vùng vàng. Đối với Thẻ thông hành do UBND huyện, thị xã, TP thuộc vùng xanh cấp chỉ có hiệu lực áp dụng trên địa bàn địa phương vùng xanh. Đối với giấy đi đường do UBND phường, xã, thị trấn cấp có hiệu lực liên phường, xã, thị trấn trong nội bộ huyện, thị, TP.
Đối với các trường hợp không cần cấp thẻ thông hành phải xác định phạm vi lưu thông theo giấy xác nhận của cơ quan, doanh nghiệp đó (trừ các trường hợp người dân đi tiêm vắc-xin, khám chữa bệnh được lưu thông theo nơi đến).
Đối với các xe thuộc luồng xanh phải tuân thủ quy định của Bộ Giao thông Vận tải và đảm bảo quy định về phòng chống dịch. Xe chở lực lượng công an, quân sự, y tế làm nhiệm vụ; xe Biển số xanh thực hiện công vụ được phép lưu thông qua lại giữa các địa phương, các vùng, đảm bảo quy định về phòng chống dịch.
Xe Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh (ô tô có Bảng nhận diện Xe ưu tiên do Sở Giao thông vận tải cấp); xe của cán bộ, công chức, nhân viên văn phòng tỉnh ủy, văn phòng UBBD tỉnh khi thực hiện công vụ theo yêu cầu (có bảng nhận diện phương tiện do văn phòng tỉnh ủy, văn phòng UBND tỉnh cấp) và xe chở lãnh đạo cấp huyện (khi thực hiện công vụ) được phép lưu thông qua lại giữa các địa phương, các vùng, đảm bảo quy định về phòng chống dịch.
Ngoài ra Công an tỉnh chỉ đạo các Phòng chức năng (PV01, PC06, PC08) và các chốt kiểm soát báo cáo kịp thời đối với các trường hợp, tình huống vướng mắc phát sinh trong thực tế để chủ động xử lý; đồng thời khẩn trương tổng hợp báo cáo và có văn bản điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; không để ách tắc, ảnh hưởng lưu thông chung trong thời gian thực hiện giãn cách.
Đối với phương tiện thực hiện công tác cứu trợ, tự thiện, hoạt động xã hội vì mục đích từ thiện: UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với Công an tỉnh (PV01, PC08) tổ chức cấp giấy xác nhận khi lưu thông; người điều khiển phương tiện phải có đầy đủ giấy tờ tùy thân và giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính (có hiệu lực trong vòng 72 giờ).
Đối với phương tiện ô tô tải vận chuyển hàng hóa nội tỉnh (cung cấp hàng hóa từ vùng xanh sang vùng vàng, vùng đỏ) phải có vận đơn, văn bản đề nghị được công an địa phương cấp, xác nhận khi lưu thông (có ghi rõ thời gian hiệu lực-không quá 24 tiếng; với lộ trình, hàng hóa vận chuyển cụ thể); người điều khiển phương tiện phải có đầy đủ giấy tờ tùy thân và giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính (có hiệu lực trong vòng 72 giờ).
Đối với các trường hợp phát sinh ngoài nội dung văn bản này, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với công an tỉnh chủ động xem xét, xử lý; đồng thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo cụ thể.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/binh-duong-nhung-ai-duoc-ra-duong-tu-5-9-20210903172058269.htm