Kỳ tích 21 ngày chiến đấu với Covid-19 của nữ bảo vệ công ty là F0
Làm 1 trong 248 ca F0 của công ty, chị Phương luôn cố gắng ăn đầy đủ, uống vitamin theo hướng dẫn của bác sĩ. Và đặc biệt, luôn giữ tinh thần lạc quan chính là chìa khóa giúp nữ bảo vệ vượt qua các chứng đau đầu, mệt mỏi, mất khứu giác…
Bài viết liên quan:
- Mất việc, chú bảo vệ 60 tuổi đạp xe từ TP.HCM về Sóc Trăng
- Nữ bảo vệ “tóc vàng hoe” khiến cư dân mạng sôi sục nhiều ngày qua
Làm việc tại quận Gò Vấp, TP.HCM đến tháng 6/2021 – khi tình hình dịch bệnh ở đây diễn biến phức tạp, chị Trần Thị Phương (quê Đắk Lắk) chuyển về Bình Dương ở trọ cùng em trai để gần em và cũng đảm bảo an toàn cho bản thân.
Tại đây, chị làm bảo vệ cho một công ty ở TP Dĩ An. Nhưng người phụ nữ này không ngờ mình và em trai đều trở thành F0 sau khi chị chuyển về đây không lâu.
Cơn sốt 40 độ là khởi đầu chuỗi ngày bị virus SARS-CoV-2 tấn công
Chị Phương chia sẻ từ ngày 10/7, công ty chị thực hiện phương án “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ) để phòng chống Covid-19.
Trước khi thực hiện phương án “3 tại chỗ”, các công nhân đều phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 mới được đăng ký ở lại và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch để tiến hành sản xuất.
Chị Trần Thị Phương
Đầu tháng 8, chị Phương thấy nhiều người mua thuốc hoặc xin thuốc hạ sốt ở phòng bảo vệ nhưng chị chỉ nghĩ là công ty thực hiện “3 tại chỗ”, các công nhân lạ nơi ăn, nơi ở nên bị mệt, ốm.
Đến 18/7, đang làm việc, chị Phương cũng thấy có dấu hiệu mệt, sốt. Cơn sốt lên đến 40 độ C, nữ bảo vệ thấy đầu đau như búa bổ, ớn lạnh và đau họng. “Lúc này, tôi chủ quan cho rằng có thể mình bị sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, do các công nhân trước khi vào thực hiện “3 tại chỗ” ở công ty đều đã được xét nghiệm âm tính nên tôi không nghĩ mình nhiễm Covid-19”, chị nói.
Chị Phương mua thuốc hạ sốt uống. Liên tục suốt đêm, chị sốt cao, không hạ. Đến 8h sáng 19/7, nhiệt độ của chị giảm, còn 38 độ.
Ngày 20/7, một công nhân ở công ty chị làm việc, qua test nhanh sàng lọc Covid-19 có kết quả dương tính và sau đó xét nghiệm PCR cũng có kết quả tương tự.
Đến ngày ngày 21/7, công ty chị Phương tiến hành test nhanh và sau đó là xét nghiệm PCR cho toàn bộ 292 công nhân. Kết quả chị Phương cũng là một trong số 248 công nhân, nhân viên công ty dương tính với SARS-CoV-2.
Là F0, chị Phương vẫn rất lạc quan.
“Nhận kết quả dương tính, nhìn xung quanh ai cũng là F0, mọi người hoảng sợ, lo lắng tuy nhiên tôi là người lạc quan. Tôi đón nhận kết quả ấy với tâm thế rất bình tĩnh”, chị nói.
Không chỉ vậy, cùng thời gian đó, em trai chị ở phòng trọ (phường Phú An, Thuận An, Bình Dương) cũng được xét nghiệm tại phường. Kết quả là anh cùng hơn 20 người khác ở khu trọ đều có kết quả dương tính và ngày 21/7, họ được đưa đến bệnh viện điều trị.
Hành trình 3 tuần phấn đấu chạm tay vào tờ giấy xuất viện
Chuẩn bị quần áo, chăn màn, quạt, chị Phương cùng các công nhân công ty được đưa đến khu vực trường tiểu học Tân Bình, TP Dĩ An – nơi được cách ly, điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Ở đây, họ được các bác sĩ thăm khám, cấp thuốc hàng ngày.
Đến ngày 2/8, sau khi xét nghiệm, chị Phương vẫn tiếp tục nhận kết quả dương tính. Chị được chuyển đến Trung tâm Y tế Dầu tiếng, Bình Dương điều trị.
Khu điều trị có khoảng 300 F0, mỗi phòng có 7-8 người. “Mỗi sáng, chúng tôi tự đo nhịp tim, huyết áp và thông báo tình hình sức khỏe (các dấu hiệu ho, sốt, đau họng…) với người trưởng phòng. Người này sẽ báo cáo qua zalo cho đội ngũ y bác sĩ. Trường hợp phát hiện F0 có dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ đến thăm khám trực tiếp”, chị Phương chia sẻ.
Xét nghiệm F0 tại Trung tâm Y tế Dầu Tiếng, Bình Dương
“Nhiều F0 trong phòng tôi bị đau đầu, sốt và ớn lạnh. Hầu như mọi người đều mất khứu giác, vị giác dẫn đến ăn không ăn ngon, chán ăn. Thậm chí, có lúc tôi đau mỏi đến mức không đi nổi. Do mệt nên lúc nào tôi cũng buồn ngủ, chỉ muốn nằm”, chị Phương nhớ lại.
Nhưng cho rằng tinh thần là điều quan trọng để vượt qua bệnh, chị Phương cố gắng thực hiện theo các chỉ dẫn của bác sĩ. Hàng ngày, ngoài ăn đủ bữa, đúng giờ dù mệt chị phải cố gượng dậy, vận động, tránh việc nằm triền miên.
“Nhiều người vào đây lo lắng đến sụt cân nhưng tôi lại luôn lạc quan. Thậm chí, tôi còn bày trò để không khí trong phòng vui vẻ hơn”, chị nói.
Ngày 8/8 là ngày đặc biệt đối với người phụ nữ quê ở Đắc Lắk này khi chị cầm trên tay tờ giấy xuất viện. 1h chiều, chị Phương được về, kết thúc hành trình 21 ngày chiến đấu với Covid-19.
Rời trung tâm y tế, nữ bệnh nhân dành rất nhiều lời tốt đẹp đến những người giúp họ giành lại sự sống: “Các bác sĩ tâm lý, nhẹ nhàng. Lực lượng dân quân, tình nguyện viên cũng rất nhiệt tình. Hàng ngày, chúng tôi được phục vụ 3 bữa cơm tận nơi. Chúng tôi không mất bất cứ chi phí nào trong quá trình điều trị”.
Nếu các F0 thiếu nhu yếu phẩm, muốn ăn thêm cháo, hoa quả… lực lượng dân quân đều hỗ trợ, đi mua tận tình.
Đôi dép mới chị Phương được tặng khi đi điều trị Covid-19
“Tôi đi vội nên chỉ mang đôi dép bị đứt theo. Tôi chụp ảnh đăng lên zalo với nội dung vui vẻ: “Dép đứt mà chưa hết dịch để mua”. Vậy mà hôm sau tôi được tặng ngay một đôi dép mới”, chị kể.
Sau thời gian cách ly tại nhà, xét nghiệm âm tính, chị Phương muốn đi tình nguyện tại các khu điều trị F0. “Đây như một lời cảm ơn tôi dành cho các lực lượng y bác sĩ, dân quân, tình nguyện viên đã hỗ trợ tôi và các bệnh nhân khác trong thời gian qua”, chị nói.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/21-ngay-chien-dau-voi-covid-19-cua-nu-bao-ve-cong-ty-co-248-f0-765344.html