Tin tức

Thuê bảo vệ rừng ngày càng khó vì sao?

Được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 1.300 ha rừng phòng hộ có địa hình hiểm trở giáp ranh với tỉnh Gia Lai nhưng Trạm Bảo vệ rừng xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định chỉ có 4 cán bộ, nhân viên. “Mùa nắng còn đi xe máy được, chứ mùa mưa anh em phải đi bộ cả ngày may ra mới giám sát đủ cả khu rừng. Công việc vất vả, mà thu nhập thấp nên nhiều bạn trẻ mới vào làm trụ không nổi phải bỏ việc” – Trưởng Trạm Bảo vệ rừng xã Tây Giang Trần Văn Trung cho biết.

Bài viết liên quan:

Ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch HĐQT Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn (trụ sở huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định), cho biết tổng diện tích rừng và đất rừng do công ty quản lý, bảo vệ khoảng hơn 10.000 ha, trong đó đã giao khoán cho người dân 2.600 ha. Với diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ lớn như vậy nhưng 3 năm qua, công ty chưa tuyển được một công nhân nào có chuyên môn về bảo vệ lâm nghiệp. Trong khi đó, 2 năm qua có đến 6 người xin nghỉ việc vì lương thấp nhưng công việc nặng nhọc, lại thường phải sống xa gia đình.

Ông Đạo cho biết thêm ngoài việc không tuyển được nhân viên bảo vệ rừng, 2 năm qua công ty còn gặp khó khăn bởi nguồn kinh phí bảo vệ rừng được hỗ trợ chậm. Cụ thể, trước năm 2020, nhà nước hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng cho công ty ở mức 200.000 đồng/ha. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, công ty chưa nhận được kinh phí hỗ trợ, do đó phải tạm ứng tiền từ hoạt động sản xuất – kinh doanh để trả lương giữ chân công nhân.

15-can-bo-nhan-vien-kikiem-lam-o-binh-dinh-tham-gia-tuan-tra-bao-ve-rung
Cán bộ, nhân viên kiểm lâm ở Bình Định băng rừng, lội suối tham gia tuần tra, bảo vệ rừng

Không riêng gì nhân viên bảo vệ rừng, thời gian gần đây, số lượng công chức ngành kiểm lâm ở tỉnh Bình Định xin thôi việc cũng có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, từ đầu năm 2020 đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định có 4 công chức xin thôi việc theo nguyện vọng với lý do sức khỏe không bảo đảm để hoàn thành công việc được giao.

Theo ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, hằng năm ngân sách trung ương đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho công tác bảo vệ, phát triển rừng đã tạo việc làm, thu nhập thêm cho người tham gia nhận khoán bảo vệ rừng trồng và chăm sóc rừng phòng hộ, đặc dụng, hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng tự nhiên sản xuất của các công ty lâm nghiệp.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nhu cầu kinh phí thuộc Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2022 gần 20 tỉ đồng, ngân sách trung ương vẫn chưa phân bổ cho tỉnh. Từ năm 2021 đến nay, ngân sách trung ương phân bổ cho tỉnh để thực hiện công tác bảo vệ rừng rất hạn chế, còn thiếu so với nhu cầu thực tế.

Đặc biệt, diện tích rừng tự nhiên sản xuất của các công ty lâm nghiệp từ năm 2021 đến nay vẫn chưa được hỗ trợ, điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo vệ rừng. Người nhận khoán không nhận được kinh phí để trang trải cuộc sống trong khi các công ty lâm nghiệp không còn kinh phí trả lương công nhân.

Những bài viết liên quan

Back to top button